Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận được báo cáo đầu tiên về hiện tượng xuất hiện nhiều trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở những trẻ em trước đó khỏe mạnh từ Vương quốc Anh vào ngày 5 tháng 4 năm 2022. Chẩn đoán sơ bộ là viêm gan cấp không rõ nguyên nhân do kết quả xét nghiệm ban đầu đã loại trừ bệnh lý viêm gan do vi rút A, B, C, D và E cũng như các nguyên nhân đã biết khác của viêm gan cấp tính. Tiếp theo cảnh báo này của WHO, Mỹ và các nước trong Liên minh Châu Âu và một số quốc gia khác đã phát hiện và báo cáo các trường hợp tương tự.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến ngày 21 tháng 4 năm 2022, đã có 169 trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân được báo cáo từ 11 quốc gia trong Khu vực Châu Âu và một quốc gia trong Khu vực Châu Mỹ; trong đó có Vương quốc Anh (114 ca), Tây Ban Nha (13), Israel (12), (9), Đan Mạch (6), Ireland (5), Hà Lan (4), Ý (4), Na Uy (2), Pháp (2), Romania (1) và Bỉ (1).
Các bệnh nhân có độ tuổi từ 1 tháng đến 16 tuổi. Trong 169 ca đã ghi nhận, 17 trẻ (khoảng 10%) phải điều trị ghép gan do bị tình trạng suy gan cấp nặng; và đã ghi nhận một trường hợp tử vong. Các trường hợp có triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói trước khi biểu hiện viêm gan cấp nặng với nồng độ men gan (AST & ALT) tăng cao trên 500 IU / L và xuất hiện vàng mắt vàng da. Hầu hết các trường hợp đều không sốt. Những loại vi rút thường gây viêm gan cấp tính đã biết (như vi rút viêm gan A, B, C, D và E) đã được xét nghiệm tầm soát nhưng không phát hiện được trên tất cả các trường hợp trên. Cho đến nay cũng chưa tìm ra mối liên hệ dịch tễ học giữa các ca bệnh xuất hiện tại các quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên trong quá trình xét nghiệm các ca bệnh này, Adenovirus đã được phát hiện trong 74 trường hợp, và khi làm xét nghiệm sinh học phân tử chuyên sâu, 18 trường hợp được xác định thuộc type F 41. Ngoài ra SARS-CoV-2 cũng được xác định trong 20 trường hợp, trong đó có 19 ca đồng nhiễm SARS-CoV-2 và adenovirus. Tại Anh, nơi có phần lớn các ca viêm gan cấp được báo cáo cho đến nay, mới đây cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm adenovirus trong cộng đồng (được phát hiện qua giám sát virus trong các mẫu phân ở trẻ em); Hà Lan cũng báo cáo có sự gia tăng lưu hành adenovirus trong cộng đồng tương tự.
Adenovirus hiện được nghi ngờ là nguyên nhân gây bệnh cho các ca viêm gan cấp này. Tuy nhiên điểm không phù hợp với những hiểu biết trước đây là tác nhân adenovirus type 41 không gây bệnh cảnh lâm sàng ở mức độ nghiêm trọng như đã báo cáo. Adenovirus là tác nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng nhẹ và tự khỏi. Virus lây lan từ người sang người và phổ biến nhất là gây bệnh đường hô hấp, nhưng tùy thuộc vào type, cũng có thể gây ra các bệnh cảnh khác như viêm dạ dày ruột, viêm kết mạc và viêm bàng quang. Có hơn 50 loại adenovirus có thể gây nhiễm trùng ở người. Adenovirus type 41 thường biểu hiện như tiêu chảy, nôn mửa và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp. Mặc dù đã có báo cáo trường hợp viêm gan ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch do nhiễm adenovirus, nhưng adenovirus type 41 chưa từng được biết là nguyên nhân gây viêm gan ở những trẻ khỏe mạnh.
Các giả thuyết liên quan đến tác dụng phụ của vắc-xin COVID-19 cũng được loại trừ do phần lớn trẻ em bị viêm gan cấp trong các báo cáo này không được tiêm vắc-xin COVID-19. Do đó các nguyên nhân do nhiễm trùng và không nhiễm trùng khác cần được tiếp tục nghiên cứu để xác định nguyên nhân chính xác, từ đó có biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp.
WHO khuyến cáo các quốc gia thành viên tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện, điều tra và báo cáo thêm các trường hợp tương tự. Các mẫu bệnh phẩm cần thu thập bao gồm mẫu máu toàn phần, mẫu huyết thanh, nước tiểu, phân và bệnh phẩm hô hấp, cũng như các mẫu sinh thiết gan (nếu có). Trong khi chờ xác định nguyên nhân thật sự gây ra dịch viêm gan cấp mới ở trẻ em, các biện pháp phòng ngừa phổ quát đối với adenovirus và các bệnh nhiễm trùng thông thường khác là rửa tay thường xuyên và vệ sinh đường hô hấp cần được tuân thủ.
Với những thông tin hiện có, WHO không khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào đối với việc đi lại và / hoặc thương mại với nước Anh, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác nơi có các trường hợp viêm gan cấp đã được phát hiện.
Mới đây, Bộ Y tế Indonesia cũng vừa công bố 3 trường hợp tử vong tại bệnh viện ở thủ đô Jakarta trong tháng qua. Đó là các trẻ 2 tuổi, 8 tuổi và 11 tuổi có sốt, vàng da, co giật và hôn mê và tử vong trong bệnh cảnh viêm gan cấp. Đây có thể là các trường hợp viêm gan cấp không rõ nguyên nhân tương tự như các ca báo cáo của WHO, tuy nhiên cần chờ kết quả xét nghiệm tìm tất cả các tác nhân gây viêm gan (đang được tiến hành).
Sở Y tế TPHCM khuyến cáo các cơ sở y tế, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa Nhi tăng cường phát hiện các trường hợp trẻ bị viêm gan cấp, hội chẩn với bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) để thu thập thông tin và bệnh phẩm, tiến hành kỹ thuật xét nghiệm PCR và kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây nhiễm như Adenovirus và các tác nhân khác (nếu có), đồng thời báo cáo Sở Y tế theo quy định.
SỞ Y TẾ TP.HCM
Thông tin ban đầu về dịch viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em tại một số nước trên Thế giới